Tin KHCN Hải Dương

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân: Đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân

22/10/2014
Sáng 8/10/2014, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Hải Dương) tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và khánh thành công trình nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HTND). Các đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thanh Vân, Phó Bí thư Tỉnh ủy tới dự.

Được thành lập từ năm 2004 đến nay sau 10 năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (tiền thân là Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm - Hội Nông dân tỉnh Hải Dương) từ chỗ chỉ có 3 cán bộ và 2 phòng làm việc ở ghép với Hội Nông dân tỉnh. Đến nay Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HTND) có 22 cán bộ, giáo viên và 12 cộng tác viên, với 90% có trình độ đại học và cao đẳng. Trong 10 năm qua, trung tâm đã mở 424 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, nuôi thủy sản, may công nghiệp, thêu ren... cho 14.226 hội viên nông dân. Trung tâm còn phối hợp trong và ngoài tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 30 nghìn lượt người. Đội ngũ nông dân qua đào tạo đã tích cực giúp đỡ nhiều nông dân cùng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo an toàn, hiệu quả, giúp nông dân nâng cao ý thức sản xuất nông sản sạch, nông sản thực phẩm an toàn, tạo tiền đề xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGap.

Trung tâm đã phối hợp với Ban quản lý dự án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp - QSEAP” Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh tổ chức được 229 lớp tập huấn cho 9.160 hội viên nông dân các kiến thức về VietGAP và các quy tắc sản xuất thực phẩm an toàn khác. Phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức tập huấn 40 lớp cho 3.950 người về kỹ thuật xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Phối hợp với Công ty SUPE phốt phát Lâm Thao tổ chức trên 400 buổi  cho trên 20.000 lượt nông dân tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao. Triển khai hỗ trợ bằng phân bón được 45 mô hình bón phân khép kín trên cây lúa, khoai tây, cà chua cho 433 hộ nông dân ở 45 xã với tổng số 150 tấn phân NPK trị giá trên 800 triệu đồng... Các hội viên nông dân sau khi được học nghề, tập huấn chuyển giao KHKT đã từng bước phát huy hiệu quả trong sản xuất, tạo việc làm nâng cao đời sống. Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.560 người vào làm việc tại các khu công nghiệp. Phối hợp với Doanh nghiệp xuất khẩu lao động như: Việt Hà, Việt Nhật, Thủy lợi 4, Vituorco, IDC, Colecto tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.360 người, trong đó 956 người được xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông, Malaysia.

Trung tâm đã nhận được sự giúp đỡ của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã từng bước được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, công trình ký túc xá và trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề với tổng trị giá hơn 28 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí: Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Lê Thanh Vân, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương, ghi nhận thành tích Trung tâm Dạy nghề và HTND đã đạt được trong 10 năm qua. Đồng chí yêu cầu Trung tâm cần tìm hiểu thế mạnh của từng địa phương để dạy nghề phù hợp, thiết thực với người nông dân; tạo điều kiện cho nông dân có nghề và việc làm để nâng cao thu nhập. Tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa hoc kỹ thuật, tích cực đưa các giống cây, con mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị để công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân ngày càng hiệu quả hơn.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân và ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Giám đốc trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân.

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo