Lĩnh vực khác

Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ” (FISRT)

26/06/2014
Mục tiêu dài hạn của dự án First là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo (ĐMST). Là dự án ODA lớn nhất trong lĩnh vực KH&CN từ trước đến nay, với tổng mức đầu tư 110 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng), một cơ chế tài trợ cởi mở, bám sát thực tiễn, đáp ứng đúng yêu cầu đang đặt khiến dự án đang được cộng đồng khoa học rất kỳ vọng.

Ba cấu phần chính

Dự án sẽ tập trung tăng cường mối liên kết giữa 3 chủ thể của ĐMST: Nhà nước (nơi xây dựng những cơ chế chính sách); các viện, trường (nơi tạo ra tri thức), các doanh nghiệp (nơi sử dụng tri thức).

Cụ thể dự án này tập trung vào 3 cấu phần chính. Thứ nhất là, hoàn thiện thể chế chính sách và có tính chất thí điểm một số thể chế chính sách mới để sau đó rút kinh nghiệm, đưa ra những cơ chế chính sách chung thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST). Ví dụ, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kết hợp với các viện, trường để đổi mới công nghệ, hoặc các viện, trường cùng với các doanh nghiệp kết nối với các nhà nhà khoa học Việt kiều để xây dựng những đề án đổi mới công nghệ. Thứ hai là, hỗ trợ cho các viện chuyển đổi sang mô hình tự chủ, theo tinh thần Nghị định 115/2005/NĐ-CP, và tạo cho họ một sức mạnh để kỳ vọng sau 10 năm nữa, chúng ta có khoảng 15 các viện mạnh, có đủ năng lực ngang tầm với khu vực và quốc tế. Cuối cùng là quản lý dự án, đảm bảo dự án được thực hiện hiệu quả, giải ngân đúng tiến độ- một vấn đề tồn tại của các dự án hiện nay.

Theo đó, 47 triệu USD trong số 110 triệu USD của dự án sẽ dùng để hỗ trợ việc chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ công lập từ mô hình truyền thống, phụ thuộc vào ngân sách nhà nước sang mô hình tự chủ, tự hạch toán theo kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, dự kiến sẽ có khoảng 15 tổ chức khoa học công nghệ công lập trên bốn lĩnh vực là cơ khí chế tạo và tự động hóa; công nghệ sinh học và nông nghiệp; vật liệu mới; công nghệ thông tin và truyền thông sẽ được ưu tiên thực hiện. Mỗi tổ chức nhận được khoản tài trợ 2-4 triệu USD và phải hoàn thành việc chuyển đổi trong 24 tháng.

Dự án sẽ hỗ trợ việc liên kết các nhà khoa học với doanh nghiệp. Hai nhóm doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ dự án là các doanh nghiệp khoa học công nghệ khởi nghiệp dựa trên công nghệ và các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ thông qua việc chuyển giao và làm chủ công nghệ, liên kết đổi mới các viện nghiên cứu, trường đại học.

Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, sẽ nhận được số tiền tối đa 0,5 triệu USD. Việc hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu có số tiền tài trợ hơn 1,5 triệu USD. Ngoài ra một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ nguồn có trị giá 15 triệu USD sẽ được xây dựng ở khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc để đẩy nhanh công cuộc xúc tiến, thúc đẩy đổi mới, nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ.

Cơ hội mời các chuyên gia nước ngoài, nhà khoa học Việt kiều

Hoạt động mới đây nhất của dự án First là vừa ra thư mời kêu gọi các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học Việt kiều về nước hoạt động khoa học công nghệ. Theo hợp phần này, khoảng 6 triệu USD (hơn 120 tỷ đồng) trong số 110 triệu USD (khoảng hơn 2.300 tỷ đồng) tiền dự án sẽ để xây dựng và thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài và nhà khoa học Việt kiều về nước. Số tiền này sẽ để xây dựng mạng lưới các chuyên gia giỏi nước ngoài và nhà khoa học Việt kiều đồng thời thu hút các nhà khoa học nước ngoài, các nhà khoa học Việt kiều về nước.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc đồng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam trong hội thảo “Người Việt khởi nghiệp bằng Khoa học và Công nghệ” đã diễn ra vào ngày 19/05/2014 tại Hà Nội- một trong những hoạt động của dự án First

Cách thu hút các nhà khoa học Việt kiều về nước của First sẽ có điểm khác so với các dự án trước đây. Nếu như cách thông thường là  mời các nhà khoa học Việt kiều về nước rồi bố trí công việc thì First sẽ thông qua các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước sẽ liên kết với các chuyên gia nước ngoài, nhà khoa học Việt kiều. Chính các đơn vị khoa học này sẽ đưa ra nhu cầu sử dụng chất xám để mời họ về thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học của đơn vị mình. Như vậy, các nhà khoa học Việt kiều sẽ được đặt đề bài cụ thể, phía tiếp nhận sẽ giải được bài toán mà mình đang vướng, và điều đó có nghĩa là, những vấn đề thiết thực, sát sườn của khoa học nước nhà sẽ được giải quyết.

Theo Ban quản lý dự án First, hai bên sẽ đề xuất thực hiện một dự án cụ thể và nộp đề xuất lên ban quản lý dự án.  Một hội đồng kỹ thuật với các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia nước ngoài, các nhà kinh tế sẽ xem xét đề xuất có khả thi không. Nếu đáp ứng được yêu cầu, một thỏa thuận tài trợ sẽ được ký kết với số tiền cao nhất là 200.000 USD (khoảng hơn bốn tỷ đồng). Dự án FIRST kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 50 chuyên gia nước ngoài, nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc.

 

Được biết, tất cả các nhà khoa học Việt kiều hay chuyên gia nước ngoài đều có cơ hội tiếp cận nguồn tài trợ, miễn là đề xuất được hội đồng kỹ thuật chấp thuận. Tuy nhiên, sẽ ưu tiên cho bốn lĩnh vực trọng điểm gồm công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học và nông nghiệp; vật liệu mới; cơ khí tự động hóa. Ngoài ra, các dịch vụ công ích như trắc địa, bản đồ, thủy văn, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu cũng được xem xét. Mỗi dự án được phê duyệt phải có thời gian thực hiện không quá 24 tháng và kết thúc trước ngày 30/6/2019, thời điểm kết thúc dự án FIRST.
 

Theo nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn/

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo