Xây dựng - Giao thông - Môi trường

Tấm lợp không amiăng thân thiện với môi trường

06/01/2014
“Theo số liệu mới nhất, tại Việt Nam sản lượng tấm lợp trung bình hàng năm đạt tới trên 80 triệu m2, lượng amiăng nhập khẩu năm 2009 lên tới 64 ngàn tấn, doanh thu toàn ngành năm 2009 đạt 2.100 tỷ đồng. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước sử dụng số lượng amiăng lớn, kèm theo đó là những nguy cơ tiềm ẩn về ảnh hưởng của vật liệu này đến sức khoẻ cộng đồng và môi trường”.
 
Dây chuyền tấm lợp không amiang
 
Chủ nhiệm dự án, Ths Nguyễn Thành Long - Viện công nghệ, Bộ Công thương, cho biết đã hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không Amiăng năng suất 3 triệu m2/năm.
 
Theo Ths Nguyễn Thành Long, sản phẩm tấm sóng tấm lợp đã được phát minh gần 100 năm nay trên thế giới. Nhờ những ưu điểm nổi bật về giá thành rẻ, tuổi thọ cao, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết nên sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trong thị trường vật liệu lợp rẻ tiền. Riêng tại châu Á, sản lượng hàng năm ước đạt tới 700 triệu m2.
 
Như vậy, Việt Nam là một trong những nước sử dụng amiăng lớn nhất trên thế giới và kèm theo đó là những mối nguy cơ tiềm ẩn về ảnh hưởng của vật liệu này đến sức khoẻ cộng đồng và môi trường.
 
Để giảm thiểu nguy cơ về sức khỏe con người, môi trường… đã có nhiều nghiên cứu và bước đi ban đầu về công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng. Năm 2003, Viện Công nghệ (Bộ Công Thương) được Bộ KH&CN giao đề tài cấp Nhà nước mã số KC.06.15 “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng Amiăng” đã góp phần giải quyết được bài toán khó này.
 
Kết quả của đề tài là sự ra đời của dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng với 95% thiết bị được chế tạo ở trong nước. Đề tài đã được nghiệm thu cấp Nhà nước tháng 12/2005. Năm 2007, trên cơ sở các kết quả của Đề tài, Viện Công nghệ đã ký Hợp đồng kinh tế xây dựng dây chuyền tấm lợp không amiăng đầu tiên ở Việt Nam tại Công ty Tân Thuận Cường (Tứ kỳ, Hải Dương). Sản phẩm của dây chuyền này đã được xác nhận đạt Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản JIS A 5430:2004 và đã xuất khẩu bước đầu sang một số nước châu Á như Hàn Quốc, Ai Cập.
 
Tiếp bước những thành tựu đạt được từ các dự án trước, ThS. Long và các cộng sự đã thực hiện Dự án: KC03.DA03/11-15: “Hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không Amiăng năng suất 3 triệu m2/năm”. Mặt khác, công nghệ tại Việt Nam đã phát triển có ưu điểm hơn hẳn so với công nghệ do Malaixia và Thái Lan sở hữu vì có thể sản xuất cả hai loại sản phẩm tấm sóng và tấm phẳng với chất lượng cao.
 
Chỉ bằng 40% giá nhập ngoại
ThS. Long chia sẻ, trước nhu cầu tấm phẳng ximăng sợi đã tăng đáng kể trong 5 năm qua. Qua khảo sát thị trường mỗi tháng chỉ ở khu vực TP. Hồ Chí Minh đã nhập khẩu hơn 100 container tấm phẳng ximăng sợi (khoảng 200.000 m2/năm) từ Malaixia và Thái Lan. Nhu cầu này chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới do thị trường xây dựng của Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng và các công nghệ mới trong xây dựng đang thiên về hướng sử dụng vật liệu không nung và vật liệu nhẹ.
 
Tuy nhiên, sản phẩm tấm sóng, tấm phẳng không amiăng là loại sản phẩm hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập ngoại với số lượng lớn, thị trường trong nước rất lớn và có tốc độ tăng trưởng cao, phạm vi ứng dụng của sản phẩm rộng rãi trong xây dựng dân dụng và công nghiệp. Giá thành sản phẩm cao (cao hơn từ 30 - 40%) so với sản phẩm amiăng ximăng nên thị trường của  sản phẩm mới còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1% thị trường tấm sóng của cả nước. Có thể nói, thị trường tấm sóng, tấm phẳng không amiăng có tiềm năng rất lớn trên thị trường. Nếu sản xuất, chiếm lĩnh được thị trường các sản phẩm này, sẽ giảm được ngoại tệ nhập khẩu và sản phẩm nội địa sẽ có sức cạnh tranh cao về giá cả và chất lượng do chọn được công nghệ tiên tiến và phù hợp, khoảng cách vận chuyển, thuế thấp hơn. Một thuận lợi lớn của ngành tấm lợp là hầu hết các dây chuyền chuyển đổi đều do Viện Thiết kế - Bộ Công Thương thiết kế, chế tạo với giá thành chỉ bằng 40% giá nhập ngoại. Thậm chí một số nước châu Á, châu Phi và Trung Đông muốn đặt hàng.
 
Ngoài ra, ThS. Long còn cho biết thêm, sau khi dự án thành công, thị trường trong nước sẽ không phải nhập khẩu dây chuyền thiết bị từ nước ngoài, giá dây chuyền thiết bị trong nước chỉ khoảng 20-30% so với nhập khẩu. Đối với các nhà sản xuất có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển sản phẩm mới mà thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng trưởng.
 
Đặc biệt, nếu được đầu tư qua các hoạt động của Dự án sẽ giảm được đáng kể chi phí đầu tư ở khâu NC-PT, chủ động trong lập và triển khai kế hoạch sản xuất, nhanh chóng và chủ động làm chủ công nghệ, giảm chi phí khai thác, vận hành  thiết bị và dịch vụ sau bán hàng vì không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Tuỳ thuộc yêu cầu của nhà sản xuất, có thể kết hợp cả hai dây chuyền sản xuất tấm sóng và sản xuất tấm phẳng trong một dây chuyền duy nhất. Đây cũng là mục tiêu của Dự án nhằm làm cho sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường do nhà sản xuất đề ra.

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo